Scroll to Top
Nhức nhối nạn đuối nước ở Gia Lai – giáo dục vùng cao đang bị phớt lờ.
846 views

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt cái chết thương tâm do đuối nước của các học sinh ở Gia Lai, khiến cho nhiều gia đình chìm trong đau thương, tiếc nuối… hàng loạt gia đình cho con em nghỉ học vì sợ… phải chăng sự phát triển của giáo dục vùng cao chưa … tới?

Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, tình trạng đuối nước vẫn diễn ra liên tục. Một số trường hợp thoát nạn, được cấp cứu kịp thời thì hoảng loạn tinh thần, sức khỏe giảm sút, trong khi đó, các giải pháp vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ.

giáo dục kĩ năng
                            Trẻ em rất dễ bị đuối nước khi tắm sông mà không có người lớn.

Tang thương liên tục… nền giáo dục của vậy mất đi những mầm non

Theo Sở LĐ-TB&XH Gia Lai cung cấp thông tin cho 5days.net, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra trên 300 vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có hơn 50 trẻ em tử vong do đuối nước. Đặc biệt, có thời điểm chỉ trong ít ngày nhưng trẻ em là học sinh ở các trường học liên tục tử vong do tắm sông, tắm suối, trượt ngã xuống ao hồ.

Đã vài ngày trôi qua nhưng gia đình em Trần Minh Lợi ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) vẫn tràn ngập sự đau tiếc. Đang là học sinh giỏi, chăm ngoan của THCS Lê Quý Đôn thì ngày 9/3, gia đình không thấy Lợi về nhà, đến ngày 11/3 thì nhận được tin dữ, thi thể Lợi trôi trên sông Ba.

Bà Lê Thị Hải – người thân của Lợi cho biết: Học sinh ở đây ít có các tụ điểm vui chơi, giải trí. Kiến thức về bảo vệ an toàn sức khỏe lại hạn chế nên cứ thích là nhảy xuống sông, hồ tắm. Chính vậy nên tai nạn thương tâm đã xảy ra.

giáo dục kĩ năng sống
Trẻ em Quảng Bình thường hay tắm sông trong những ngày nắng nóng mà không có người lớn quản lý, giám sát.

Cũng trong ngày định mệnh 9/3, hai người bạn khác của Trần Minh Lợi là em Đào Hoàng Thanh Tính, Đào Minh Lâm (đều là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ia Rsươn) cũng tử vong do đuối nước trên sông Ba.

Khắc khoải, bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của cháu mình, ông Đào Thanh H buồn bã: Hy vọng những vụ thương tâm thế này sẽ là hồi chuông cảnh báo đến các địa phương, các trường học khác dặn dò và quản lý học sinh, con em của mình cẩn thận hơn. 3 học sinh tử vong lần này đều học hành chăm chỉ và rất ngoan hiền.

Nhiều phụ huynh ở Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) cũng thảng thốt tiếc nuối khi 2 học sinh khá của trường tử vong vì đuối nước là em Lê Đình Thắng và Nguyễn Trường Tâm.

Ông Nguyễn Văn Hải (nhà gần nơi 2 học sinh bị nạn) cho biết: Thật đáng tiếc khi các cháu thiếu kỹ năng bơi lội nên sảy chân xuống hồ chứa nước tưới cà phê và tử vong ngay sau đó. Nhà trường và hàng xóm đi tìm thì phát hiện ra thi thể đúng những ngày cận Tết.

Ông Đinh Bliu ở xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) hớt hải cho biết, mấy đứa con và cháu chúng tôi cũng từng tắm sông, suối và suýt chết. Dẫu được cấp cứu kịp thời nhưng có cháu thỉnh thoảng vẫn ngẩn ngơ. Ngủ hay gặp ác mộng và mỗi lần đi qua sông hay la hét do chấn động tâm lý. Từ đó cho thấy rằng vấn đề chống đuối nước ở khu vực nông thôn ở Gia Lai là rất cấp thiết, nhất là vào những ngày nắng, ngày hè sắp tới.

giáo dục kĩ năng cho học sinh
      Đoàn viên, thanh niên xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu tổ chức dạy bơi cho các em nhỏ.

Cần có nhiều biện pháp quyết liệt… giáo dục kĩ năng cho các em là quan trọng nhất!

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Gia Lai cho thấy, hầu hết các vụ đuối nước thương tâm với học sinh xảy ra ở các huyện như: Krông Pa, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Pah, Chư Prông. Hậu quả từ đuối nước để lại rất nặng nề trong khi nhiều giải pháp vẫn chưa được thực hiện quyết liệt.

Ông Đinh Văn Hải ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh) nhìn nhận: Chúng tôi là phụ huynh cũng quản lý con em mình lúc ở nhà thôi còn khi đến trường hay đi học thêm thì khó quản được. Ở các huyện nông thôn, hồ đập, sông suối rất nhiều mà lại rất ít chỗ cho cắm biển cảnh báo hay rào chắn nên các cháu học sinh theo nhau xuống tắm, rất nguy hiểm.

Loading...

Chính quyền địa phương cùng các trường học cần phối hợp để tạo các biển báo và liên tục tuyên truyền cho học sinh về hiểm nguy của sông suối, ao hồ trong các buổi ngoại khóa.

Hiện, Sở giáo dục và đào tạo Gia Lai đã yêu cầu các trường học xây dựng các bể bơi thông minh để huấn luyện khả năng bơi lội và xử lí tình huống cho học sinh.

giáo dục kĩ năng
Đoàn viên, thanh niên huyện Quỳnh Lưu cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại địa điểm nước sâu nguy hiểm trên địa bàn.

Tuy nhiên, mới chỉ có một số trường học ở khu vực TP. Pleiku làm được, còn nhiều trường ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, học sinh vẫn xa lạ với các kỹ năng ứng phó với sự cố trong lúc tắm sông, tắm suối hoặc trượt ngã xuống các ao hồ.

Nhiều phụ huynh ở xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) cho rằng, cùng với việc lập các bể bơi thì công tác quản lý học sinh cả giờ học chính lẫn giờ học thêm cần chặt chẽ hơn. Nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng và nhận biết những mối nguy hiểm từ các khu vực có nước ngay từ lứa tuổi tiểu học.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng liên tục xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước hết sức thương tâm. Năm nào cũng vậy, khi mùa hè đến, nạn đuối nước đã làm cho nhiều gia đình mất con thơ, nhiều học sinh không bao giờ trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Đau đớn, thương tâm là vậy, nhưng giải pháp cho vấn nạn này thì vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Đâu là giải pháp? Nền giáo dục cần phải làm gì?

Đuối nước ở trẻ em trong dịp nghỉ hè trở thành một vấn đề lớn đối với gia đình, các cấp chính quyền và các ngành liên quan của địa phương. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho các học sinh được xác định là biện pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng đuối nước ở trẻ em. Trên thực tế, học sinh từ bậc tiểu học đã được lồng ghép giáo dục một số kiến thức, kỹ năng phòng tránh thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước trong các môn học.

Tuy vậy, những gì học sinh nhận thức được vẫn chủ yếu là lý thuyết, các em chỉ được “học bơi trên cạn”. Sở dĩ để xảy ra tình trạng này là do thời gian chính khóa trong chương trình giáo dục đang bóp nghẹt những buổi học ngoại khóa, trải nghiệm thực tế của học sinh. Cũng không thể không nhắc đến đó là việc thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng, cụ thể là thiếu bể bơi tại các trường học. Đây thực sự là rào cản lớn nhất đối với các em học sinh trong việc rèn luyện kỹ năng bơi lội nhằm đối phó với các tình huống có thể xảy ra.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em cần phải mở rộng nhiều kênh, ở các môi trường, tổ chức khác nhau từ nhà trường, xã hội đến gia đình, có như vậy mới hạn chế được những rủi ro đến với các em”.

Trong kỳ nghỉ hè kéo dài, các em học sinh đều do gia đình quản lý, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều bậc cha mẹ lao vào làm ăn, không có thời gian chăm sóc các con. Con em thuộc các gia đình này là đối tượng dễ gặp tổn thương rủi ro nhất trong cuộc sống hằng ngày. Trong dịp nghỉ hè, cùng với gia đình thì tổ chức Đoàn thanh niên được xác định là lực lượng giáo dục, quản lý các em học sinh tại địa phương.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở đã tập hợp các em thông qua hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích. Một số đơn vị như Huyện đoàn Quỳnh Lưu, Huyện đoàn Anh Sơn… đã liên hệ được cơ sở hạ tầng, dạy bơi miễn phí cho các em học sinh trong dịp nghỉ hè. Không dừng lại ở đó, Tỉnh đoàn Nghệ An cũng phát động việc tổ chức cắm biển cảnh báo ở những vị trí nguy hiểm để các em tránh xa nơi đó. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hữu Công, Phó Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu: “Các em còn quá nhỏ nên hiệu quả trong công tác tuyên truyền là chưa cao. Nhiều gia đình do bận làm kinh tế nên không có thời gian quản lý con cái, trong khi đó, công tác giáo dục, hướng dẫn của chúng tôi cũng chỉ trong một thời gian ngắn, mà muốn cho các em có kỹ năng, kiến thức sống đầy đủ thì cần phải có cả quá trình dài”.

Để tránh được những tai nạn rủi ro nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng đòi hỏi các em phải được trang bị kiến thức, kỹ năng sống độc lập. Điều này thiết nghĩ phải có sự chung tay, góp sức phối hợp nhịp nhàng từ gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan, có như vậy, trẻ em mới được sống trong môi trường an toàn, hạn chế được những rủi ro không đáng có xảy ra.

Loading...