5days.net– Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu được xem là căn bệnh nan y vô cùng phức tạp và khó chữa trị. Nếu như không có kiến thức và sự hiểu biết không chính xác về bệnh này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân.
1.Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?
Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là tên gọi tắt của Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một loại bệnh lý miễn dịch.
Bình thường khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này. Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể mình là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó. Trong trường hợp này cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu . Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ.
2.Biểu hiện của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
Theo các chuyên gia sức khỏe, Bệnh thường có khởi phát từ từ kín đáo với sự xuất hiện của các nốt xuất huyết chấm đỏ hoặc bầm tím, hoặc xuất huyết do xây xước nhẹ trên da, không kèm theo sốt, thiếu máu, sưng hạch hoặc các biểu hiện toàn thân khác. Các nốt xuất huyết có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường là không có tính chất đối xứng ở hai chi. Các nốt hoặc mảng tụ máu có thể tự nhiên xuất hiện hoặc do va đập nhẹ, thường là ở chân tay, mặt. Những vết cào xước nhẹ ở cổ, thân mình, chân tay cũng gây ra những dải xuất huyết. Rất ít khi bệnh biểu hiện chảy máu nặng ngay từ đầu như chảy máu mũi, chân răng, xuất huyết tiêu hóa hay tiểu ra máu. Khoảng 70 – 80% các trường hợp tiểu cầu trở lại bình thường sau một vài tuần đến 3 tháng khi được điều trị, 20% trở thành mãn tính. Khi số lượng tiểu cầu giảm nặng cần có các biện pháp đề phòng chảy máu, đặc biệt là chảy máu ở phổi, não dễ gây tử vong.
3.Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?
– Hiện tượng giảm tiểu cầu do kháng thể đồng chủng: xuất phát từ nguyên nhân truyền máu khác nhóm tiểu cầu và nhóm tiểu cầu giữa mẹ và con có sự bất đồng.
– Do cơ thể bị các bệnh nhiễm trùng nặng, bệnh nhiễm ký sinh trùng nhất là bệnh sốt rét, do nhiễm siêu vi trùng trong các bệnh sốt xuất huyết, sởi, cúm, quai bị hay viêm gan siêu vi, lupus ban đỏ… làm cơ thể bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
– Do cơ thể tiêm phòng các loại vắc xin sau khi rối loạn hoocmon.
– Do các bệnh như xơ gan, men gan cao, khô tủy, suy tủy, suy thận, ung thư tủy, ung thư máu, ung thư vòm họng, ung thư xương…
– Do cơ thể bị đột biến gen.
– Các nguyên nhân như tuỷ xương sản xuất tiểu cầu bình thường, biểu hiện mẫu tiểu cầu kháng sinh, mặt khác đời sống tiểu cầu lại ngắn do phá huỷ ở ngoại vi, điển hình là các kháng thể kháng tiểu cầu.
4.Cách điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu
Thuốc lựa chọn điều trị hàng đầu là các thuốc nhóm Corticoids.
Khi sử dụng các thuốc này, các bác sĩ thường dùng liều cao và kéo dài để ức chế miễn dịch của người bệnh. Các thuốc này khi ngưng đột ngột sẽ gây ra biến chứng suy tuyến thượng thận cấp. Vì vậy người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ từ liều dùng cho đến thời gian dùng thuốc.
Thuốc nhóm Corticoids khi dùng kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ: viêm dạ dày, tăng huyết áp, tăng đường huyết, giữ nước, loãng xương, đục thủy tinh thể….Tuy nhiên vì bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng nên việc sử dụng thuốc là việc cần thiết. Bác sĩ sẽ theo dõi sát và xử trí các biến chứng và tiến hành giảm liều thuốc Corticoids phù hợp với tình trạng bệnh.
Trong trường hợp cấp cứu: người bệnh bị xuất huyết đe dọa tính mạng: bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc: Gamma globulin truyền tĩnh mạch, anti D truyền tĩnh mạch, corticoids liều cao. Tuy nhiên những thuốc này chỉ có tác dụng nâng tiểu cầu trong thời gian ngắn, số lượng tiểu cầu sẽ có thể giảm thấp trở lại sau một thời gian.