5days.net– Sáng 8/9, tại Hà Nội, Gs Hồ Ngọc Đại, tác giả của cuốn Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục, đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua với cách đánh vần lạ “tròn, vuông, tam giác…” đã có buổi trò chuyện về vấn đề này.
GS Hồ Ngọc Đại nói phương pháp này sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù
Trao đổi tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục 4.0 mới đây, GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục (NNGD), tác giả cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đọc chữ bằng ô vuông, tròn, tam giác cho biết: “Cuộc đời tôi coi như xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này, thế hệ hiện nay phải tự xác lập nên thời đại mới.
Người lớn, người đi trước không nên, không được và không có quyền lấy mình làm khuôn mẫu cho người khác. Khi có thế hệ trẻ con mới, có lịch sử mới thì cần phải có một nền giáo dục mới”.
Cũng theo GS Đại, căn bản nhất là phải xây dựng nền giáo dục mới như thế nào. Đó là nền giáo dục được xây dựng trên cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ được, trên một cơ sở vật chất không thể tốt hơn được ở thời điểm đó. Sứ mệnh của giáo dục là phải làm sao tạo ra được cái mới chưa hề có và tận dụng những gì có trong quá khứ. Chứ không nên cho học sinh đi lại quá khứ.
“Dù khó khăn nhưng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ phá vỡ nền giáo dục cũ, để xây dựng một nền giáo dục mới. Mấy chục năm qua, trường thực nghiệm vẫn tồn tại, đó chính là minh chứng.
Công nghệ giáo dục, việc thiết kế rất khó, nhưng khi thực hiện ai cũng làm được. Những học sinh đến học với tôi, chỉ trong một năm có thể đọc thông, viết thạo… không tái mù”, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.
Ông chia sẻ, ngày xưa có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”. Đến thời GS Hồ Ngọc Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng” thì nền giáo dục mới lành mạnh.
Lý giải về điều này, ông cho rằng làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hàng ngày. Học sinh không bao giờ phải ôn tập.
“Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người.
Người lớn, giáo viên phải “chịu thua” để dạy trẻ. Trẻ luôn có lý của bản thân, và người lớn phải căn cứ trên cái lý đó. Người lớn không thể lấy chuẩn của người khác để áp dụng cho trẻ – với tâm hồn trong sáng như cây cỏ. Vì vậy, người lớn không thể dạy trẻ bằng ảo tưởng, mong muốn của chính mình.
Phương pháp mới của GS Hồ Ngọc Đại giúp học sinh học mà không có cảm giác bị bắt ép học
Giáo sư Đại cũng thừa nhận tư tưởng giáo dục của mình dễ bị phản ứng. Nếu trước đây có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”, nhưng với GS Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng mà vẫn hiểu được. Làm sao học mà không cảm giác học thì đó mới là học”. Cái tự nhiên nhất mới là cái đúng nhất.
“Tôi là người cuối cùng biên tập cuốn Tiếng Việt, để chịu trách nhiệm nên tôi ký tên tôi… Ông cha ta có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng 8 tuổi nói chuẩn 9 tuổi nói hay… Nhưng nhiều người còn viết sai vì cách dạy chưa đúng. Chính vì vây, sau một năm học theo cách của tôi, trẻ sẽ đọc thông, viết thạo và không thể tái mù”, Giáo sư Đại chia sẻ.
Vị giáo sư cũng chỉ ra, khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó phải là ngôn ngữ hàng ngày chứ không phải ngôn ngữ sách vở. Nguyên tắc sư phạm của ông ở đây đó là thầy giao việc và trò làm việc. Khi trò làm việc, thầy sẽ theo dõi. Phải dùng những thứ tích cực trong cuộc sống để dạy trẻ chứ không phải những điều viển vông.
Bên cạnh đó, giáo sư Đại nhấn mạnh: “Cái quan trọng mà học sinh của tôi học là phải nắm được vật thật và vật thay thế. Vật thật là âm nghe được, tiếng nói… Vật thay thế không chỉ là chữ mà còn là trò chơi, quy ước. Trẻ con lớp 1 phải biết được vật thật còn vật thay thế thì có thể là bất cứ thứ gì”.
GS Hồ Ngọc Đại tâm sự, trong số tất cả công trình của mình, sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 do ông biên tập và chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và tâm huyết nhất trong quá trình nghiên cứu. Đây cũng là niềm an ủi vì đã thể hiện được kiến thức và những điều tốt đẹp được ông gửi gắm.
- Kỷ luật 5 cán bộ trong vụ giáo viên mầm non quỳ gối ở Nghệ An
- 50% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, ngành sư phạm đắt hàng
- Nữ sinh sư phạm không thể làm giáo viên vì chỉ cao 1,4 m
- Giáo viên mầm non quỳ lạy xin dạy: nên đề đạt nguyện vọng thay vì quỳ gối
- Khóa đào tạo miễn phí kỹ năng hùng biện dành cho trẻ