Scroll to Top
Người phụ nữ mù ở Sài Gòn dò dẫm đến bệnh viện hiến tạng
963 views

Đời sống sức khỏe: Mắt không còn nhìn thấy ánh sáng để tự điền đơn đăng ký hiến tạng, người phụ nữ tại TP HCM nhờ bác sĩ viết rồi lăn tay.

Loading...

Người phụ nữ ngoài 40 tuổi mắc bệnh lý đáy mắt, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ sáng tối. Chị lần mò từng bước lên cầu thang Bệnh viện Chợ Rẫy, đến gõ cửa Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, trình bày nguyện vọng đăng ký hiến tạng khi về với cát bụi.

đời sống sức khỏe
Bác sĩ Ngọc Thu (áo trắng ngồi phía trong) và đồng nghiệp tư vấn cho gia đình người hiến tạng

Do người đăng ký hiến không còn nhìn thấy ánh sáng để có thể tự tay điền vào tờ đơn, nhân viên đơn vị phải nhờ bộ phận pháp chế của bệnh viện đến chứng kiến cũng như viết giúp. Sau khi lăn dấu tay vào tờ đơn xin tình nguyện hiến đi những bộ phận cơ thể khi qua đời, chị hào hứng xin thêm những tờ đơn khác để về thuyết phục bạn bè trong hội người mù.

Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là trường hợp khiến mọi người rất cảm động. Vài ngày sau, người phụ nữ mù đưa thêm bạn bè cùng cảnh ngộ đến để tiếp tục đăng ký. Các bác sĩ tại đơn vị điều phối cũng đã mời bác sĩ chuyên khoa mắt đến kiểm tra nhưng những đôi mắt của họ đã không còn hy vọng cứu.

đời sông sức khỏe
                              Các bác sĩ cúi đầu tri ân cô gái hiến tạng cứu 4 người.

Theo bác sĩ Thu, từ ngày đơn vị thành lập vào tháng 6/2014 đến đã nhận được hơn 5.000 đơn đăng ký tự nguyện hiến tạng khi qua đời. Khoảng 100 gia đình đến tình nguyện đăng ký hiến tạng của cả nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần minh mẫn. Người đăng ký có thể đến trực tiếp đơn vị để có thẻ ngay, hoặc đăng ký online hay gửi thư, thẻ hiến tạng sẽ được chuyển tận nhà theo đường bưu điện.

Bất kỳ cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

Khó khăn nhất trong ghép tạng đối với các bác sĩ Việt Nam không phải kỹ thuật mà là nguồn hiến tạng khan hiếm. Hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.

Hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Cô gái bị tai nạn giao thông, được người nhà hiến quả tim, gan và 2 quả thận để ghép cho 4 người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).

đời sống sức khỏe
                                  Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật.

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp với 5days.net, thiếu nữ bị tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu ngày 19/5 trong tình trạng dập não trán xuất huyết 2 bên, xuất huyết dưới nhện. Tình trạng quá nặng, bệnh nhân dần rơi vào hôn mê, nguy cơ cao tử vong. Biết con gái không thể qua khỏi, người mẹ đã đồng thuận hiến tim, gan và hai quả thận của con để cứu người. Giác mạc của thiếu nữ bị phù nên không thể hiến tặng.

Ngày 29/5, 4 phòng mổ được bố trí tại Chợ Rẫy để các kíp ghép tạng tiến hành song song việc nhận và ghép tạng cho 4 bệnh nhân. Ở phòng mổ thứ 5, thiếu nữ đã chết não được chuẩn bị sẵn sàng cho việc hiến tạng. Đội ngũ y bác sĩ trước khi bắt đầu thao tác kỹ thuật đã cùng đứng cúi đầu cám ơn cô gái trẻ.

Trong 40 người chờ ghép tim có 3 người cùng nhóm máu B với người hiến. Các xét nghiệm khác cho thấy chàng trai quê Đăk Nông 27 tuổi là người phù hợp nhất nên nhận quả tim cô gái. Theo bác sĩ Thái An, bệnh nhân ghép tim thường tiên lượng sống tốt, khoảng trên 70% sống hơn 5 năm.

Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch cho biết chàng trai Đăk Nông bị suy tim do cơ tim giãn nở đã 3 năm nay. Bệnh nhân đã đặt máy điều trị tái đồng bộ thất trái nhưng phải nhiều lần nhập viện. Chỉ khoảng 30% người mắc bệnh này có thể sống qua 5 năm, đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sau ca mổ thay tim, chàng trai đã được rút nội khí quản, hiện hồi phục sức khỏe tốt. Đây là ca ghép tim đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức.

Lá gan và 2 quả thận của cô gái cũng đồng thời được ghép cho 3 người khác. Đây là ca ghép gan thứ 13 của Bệnh viện Chợ Rẫy và là lần thứ 2 bệnh viện tự thực hiện sau khi được chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện ở Hàn Quốc. Bệnh nhân ghép gan được rút nội khí quản sau 24 giờ và chức năng thận của 2 bệnh nhân được ghép thận cũng đang trở về bình thường.

 

Loading...