5days.net– Chiều 12-2, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai bệnh nhân bị cúm A/H1N1 đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch.
Bệnh nhân nam 64 tuổi ở Sơn Tây được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chiều 25/1 trong tình trạng sức khỏe khó thở, ý thức chậm, được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Người nhà bệnh nhân cho hay, trước đó sáu ngày, người bệnh xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất nhưng tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.
Bệnh nhân còn lại cũng là nam, 48 tuổi. Anh xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Trước đó gia đình anh cũng có vài người bị cúm. Nghĩ là cúm thông thường nên 4 ngày sau anh mới nhập viện điều trị. Lúc này bệnh nhân đã có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch.
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả hai bệnh nhân đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (còn gọi là cúm mùa).
Cúm H1N1 là một loại cúm phổ biến ở lợn và có khả năng biến thể thành virus gây bệnh cúm ở người. Cúm H1N1 ở lợn thường xảy ra thành các đợt dịch, lợn nhiễm bệnh theo đàn, lợn thường ốm yếu và có thể chết. Nếu người tiếp xúc với gia súc có mang mầm bệnh virus H1N1 biến thể có khả năng lây nhiễm sang người thì người đó có thể bị nhiễm cúm A/H1N1.
Ca nhiễm H1N1 đầu tiên được phát hiện trên thế giới vào năm 2009, virus bùng phát và lây lan tới 160 quốc gia trên toàn thế giới. Có tới hàng trăm triệu người bị nhiễm cúm và hàng nghìn người tử vong.
Người mắc cúm H1N1 có thể do những nguyên nhân sau đây:
– Hít phải khí có chứa dịch tiết của người bệnh: Khi người nhiễm bệnh sổ mũi, hắt hơi, trong tiết dịch đưa ra ngoài cơ thể họ luôn chưa một lượng virus cúm H1N1. Những người xung quanh vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với chúng sẽ có khả năng nhiễm cúm nếu không có biện pháp phòng ngừa.
– Tiếp xúc với những đồ vật có chứa virus: Virus H1N1 có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài rất lâu, có thể lên tới 2 ngày trên những vật dụng gia đình như tay nắm cửa, bàn, ghế, giường, tủ,… Một khi người chưa bị nhiễm bệnh chạm tay vào rồi lại đưa tay trực tiếp lên miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào phổi gây nên bệnh cúm H1N1 nguy hiểm.
Phó giáo sư Đoàn Xuân Cơ cho biết thêm: “Khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”.
Phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất, theo Trưởng khoa Hồi sức tích cực, đó là tiêm phòng vắc xin cúm.